Bệnh Nghề Nghiệp

Bệnh nghề nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến cho sức khỏe của người lao động bị suy giảm. Từ đó ảnh hưởng đến kết quả làm việc và chất lượng lao động. Vậy, bệnh nghề nghiệp là gì? Bệnh nghề nghiệp được phân loại thế nào?

1. Bệnh nghề nghiệp là gì?

Bệnh nghề nghiệp được định nghĩa là bệnh lý phát sinh trong quá trình lao động. Bệnh ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động. Người bị bệnh nghề nghiệp phải được điều trị chu đáo. Được người sử dụng lao động khám sức khỏe định kỳ và có hồ sơ sức khỏe riêng biệt.

Một số nguyên nhân chính gây ra bệnh nghề nghiệp có thể kể đến như sau:

  • Làm việc trong môi trường quá nóng, quá lạnh, gây ra bệnh say nóng, say nắng, cảm lạnh, ngất…
  • Làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng
  • Làm việc trong điều kiện tiếng ồn sản xuất thường xuyên vượt quá mức giới hạn 85 dB
  • Làm việc trong điều kiện rung động thường xuyên với các thông số có hại với cơ thể con người…
  • Làm việc trong điều kiện phải tiếp xúc thường xuyên với bụi sản xuất: silic, bụi than, quặng phóng xạ…
  • Làm việc trong điều kiện tiếp xúc lâu với các chất hóa học (nhựa thông, sơn, dung môi, mỡ, khoáng…)
  • Làm việc trong điều kiện có tác dụng của các tia phóng xạ, các chất phóng xạ và đồng vị
  • Làm việc trong điều kiện sử dụng tia năng lượng cường độ lớn (tia hồng ngoại, dòng điện tần số cao).

Bệnh nghề nghiệp hiện nay đang được tích cực áp dụng biện pháp phòng tránh. Bệnh nghề nghiệp đã được chính phủ quy định trong Nghị định 37/2016/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng ban hành danh mục Bệnh nghề nghiệp và Hướng dẫn quản lý trong Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và Thông tư 28/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp.

2. Bệnh nghề nghiệp được phân loại thế nào?

Tính đến 2015 đã có 28 bệnh nghề nghiệp đã được Nhà nước công nhận và chi trả chế độ BHXH. Nội dung chi tiết được nêu cụ thể trong các văn bản Thông tư Liên bộ số 08/1998/TTLT-BYT-BLĐTBXH. Thông tư Liên bộ số 29-TTLB, Quyết định số 167/BYT-QĐ. Quyết định số 27/2006/QĐ-BYT và Thông tư số 42/2011/TT-BYT. Danh mục 28 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm được chia thành 5 nhóm:

Nhóm I: Các bệnh bụi phổi và phế quản

1. Bệnh bụi phổi – Silic nghề nghiệp (BP-silic) – Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT-BYT-BLĐTBXH
2. Bệnh bụi phổi Atbet (amiăng) (BP-amiăng) – Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT-BYT-BLĐTBXH
3. Bệnh bụi phổi bông (BP-bông) – Thông tư liên bộ số 29-TTLB
4. Bệnh viêm phế quản mãn tính nghề nghiệp (viêm PQ- NN)- Quyết định 167/BYT-QĐ
5. Bệnh hen phế quản nghề nghiệp – Quyết định 27/2006/QĐ-BYT

Nhóm II: Các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp

1. Bệnh nhiễm độc chì và các hợp chất chì – Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT-BYT-BLĐTBXH
2. Bệnh nhiễm độc benzen và các hợp chất đồng đẳng của benzene – Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT-BYT-BLĐTBXH
3.Bệnh nhiễm độc thuỷ ngân và các hợp chất thuỷ ngân – Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT-BYT-BLĐTBXH
4. Bệnh nhiễm độc mangan và các hợp chất của mangan – Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT-BYT-BLĐTBXH
5. Bệnh nhiễm độc TNT (trinitro toluen) – Thông tư liên bộ số 29-TTLB
6. Bệnh nhiễm độc asen và các hợp chất asen nghề nghiệp – Quyết định 167/BYT-QĐ
7. Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp – Quyết định 167/BYT-QĐ
8. Bệnh nhiễm độc hoá chất trừ sâu nghề nghiệp – Quyết định 167/BYT-QĐ
9. Bệnh nhiễm độc cacbonmonoxit nghề nghiệp – Quyết định 27/2006/QĐ-BYT
10. Bệnh nhiễm độc Cadimi nghề nghiệp – Thông tư 42/2011/TT-BYT

Nhóm III: Các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý

1. Bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ – Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT-BYT-BLĐTBXH
2. Bệnh điếc do tiếng ồn (điếc NN) – Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT-BYT-BLĐTBXH
3. Bệnh rung chuyển nghề nghiệp – Thông tư liên bộ số 29-TTLB
4. Bệnh giảm áp mãn tính nghề nghiệp – Quyết định 167/BYT-QĐ
5. Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân – Thông tư 42/2011/TT-BYT

Nhóm IV: Các bệnh da nghề nghiệp

1. Bệnh sạm da nghề nghiệp – Thông tư liên bộ số 29-TTLB
2. Bệnh loét da, loét vách ngăn mũi, viêm da, chàm tiếp xúc – Thông tư liên bộ số 29-TTLB
3. Bệnh nốt dầu nghề nghiệp – Quyết định 27/2006/QĐ-BYT
4. Bệnh viêm loét da, viêm móng và xung quanh móng nghề nghiệp – Quyết định 27/2006/QĐ-BYT

Nhóm V: Các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp

1. Bệnh lao nghề nghiệp – Thông tư liên bộ số 29-TTLB
2. Bệnh viêm gan virút nghề nghiệp – Thông tư liên bộ số 29-TTLB
3. Bệnh do xoắn khuẩn leptospira nghề nghiệp – Thông tư liên bộ số 29-TTLB
4. Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp – Thông tư 42/2011/TT-BYT

Hiện nay, Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH khi đủ điều kiện.

1. Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp.
2. Bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp.
3. Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp.
4. Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp.
5. Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp.
6. Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp.
7. Bệnh hen nghề nghiệp.
8. Bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp.
9. Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do benzen và đồng đẳng.
10. Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp.
11. Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp.
12. Bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp.
13. Bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp.
14. Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp.
15. Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp.
16. Bệnh nhiễm độc cacbonmonoxit nghề nghiệp.
17. Bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp.
18. Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn.
19. Bệnh giảm áp nghề nghiệp.
20. Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân.
21. Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ.
22. Bệnh phóng xạ nghề nghiệp.
23. Bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp.
24. Bệnh nốt dầu nghề nghiệp.
25. Bệnh sạm da nghề nghiệp.
26. Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm.
27. Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài.
28. Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su.
29. Bệnh Leptospira nghề nghiệp.
30. Bệnh viêm gan vi rút B nghề nghiệp.
31. Bệnh lao nghề nghiệp.
32. Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
33. Bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp.
34. Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp.

Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định:

  • Lao động mắc bệnh nghề nghiệp bị suy giảm khả năng lao động từ 5-30% được hưởng trợ cấp một lần. Trường hợp bị suy giảm từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng.
  • Hồ sơ hưởng bảo hiểm bao gồm các giấy tờ:
  • Sổ bảo hiểm xã hội;
  • Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp;
  • Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;
  • Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu. Cơ quan bảo hiểm giải quyết trong 10 ngày, kể từ nhận đủ hồ sơ.​

Theo Thông tư 15/2016/TT-BYT, người lao động sau khi được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp cần được:

  • Bố trí vị trí làm việc hạn chế tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp đó.
  • Cần được tạo điều kiện và phải được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
  • Giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định.

Bệnh nghề nghiệp luôn là một mối nguy thường trực đối với người lao động. Hậu quả của BNN không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần, thu nhập của người lao động. Mà còn làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp bị tác động bởi chi phí bồi thường. Do đó, chủ doanh nghiệp phải nắm vững các quy định liên quan đến bệnh nghề nghiệp đã nêu trên. Nhằm bảo đảm đời sống cho những lao động và tạo dựng môi trường lao động lành mạnh. Mặc khác, đây là cách Doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm của mình cho đội ngũ người lao động.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *